Tags

, , , ,

Trích từ báo The New York Times ngày 25 tháng 11, 2014

Tác giả: Francine Prose

Khế Chua dịch

Tôi có thể trích dẫn những chuyện tưởng tượng rất phong phú của Gogol, người có thể biến một chuyện ít có thể xảy ra, trở nên chẳng những hiện thực mà còn đầy thuyết phục.

Cố gắng trả lời câu hỏi khó này trong vòng 650 chữ, tôi có thể nói rằng, một phần cái đã khiến nhà văn Nga thuộc thế kỷ thứ 19 trở nên đặc biệt – lý do làm cho chúng ta vẫn còn đọc văn của họ một cách sung sướng và say sưa – là cái sức mạnh, sự thẳng thắn, sự thành thật và chính xác họ đã dùng để diễn tả các khía cạnh quan trọng nhất trong kinh nghiệm làm người. Không phải cái kinh nghiệm bắt bồ trên mạng, hoặc là cái kinh nghiệm giận đến phát điên vì tranh dành chỗ ngồi trên máy bay, hoặc là cái kinh nghiệm kiểu “Ủa, món ăn tôi đặt mua cách đây cả tiếng đồng hồ bây giờ vẫn chưa đến?” Mà là đầy dẫy những chuyện tối quan trọng khác cùng xuất hiện với nhiều thứ cảm xúc, không thể nào quên trong tác phẩm của họ như: sinh sản, tuổi thơ, cái chết, tình đầu, hôn nhân, hạnh phúc, cô đơn, phản bội, nghèo khó, giàu sang, chiến tranh và hòa bình.

Francine Prose

PHOTO Francine Prose Credit Illustration by R. Kikuo Johnson

Tôi có thể nhắc đến bề rộng và chiều sâu văn chương của họ, sự thành công của họ trong công việc biến một cá nhân thành nhân vật phổ biến, một sự thật là – mặc dù họ sống chung trong một quốc gia và trong cùng thế kỷ – mỗi cá nhân của “đám người Nga” đều khác biệt với nhau. Tôi có thể ngợi khen là họ có khả năng thuyết phục chúng ta, rằng có cái gọi là tính nhân bản, rằng có cái gì đó trong tâm hồn của con người làm thay đổi cho tốt đẹp hơn những bất đồng ở bề mặt của quốc gia, giai cấp xã hội và thời gian. Tôi có thể trích dẫn những chuyện tưởng tượng rất phong phú của Gogol, người có thể biến một chuyện ít có cơ hội xảy ra – một người  thức giấc bỗng nhận ra cái mũi ông ta biến đâu mất – trở nên chẳng những hiện thực mà còn đầy thuyết phục; cái cách mà nhân vật của Dostoyevsky giống như là người thật, sống động và hoàn toàn hiện diện, ngay cả khi chúng ta nghi ngờ rằng chẳng ai hành xử giống như những nhân vật này, người này gieo mình xuống dưới chân người kia, kể chuyện đời của họ dài lê thê với đầy đủ chi tiết cho một người lạ trong quán rượu nghe, sự tế nhị đầy phiền muộn của Chekhov, cái thiên tài độc đáo của ông trong việc biểu lộ cảm xúc sâu thẳm nhất của con người, phụ nữ và trẻ em xuất hiện đầy trong kịch và truyện ngắn của ông; cái tham vọng và sự hiểu biết sâu sắc đầy tràn những giây phút ngắn ngủi trong truyện của Tolstoys (làm mứt và hái  nấm) và những khoản thời gian chứa đựng những chi tiết trọng đại (tai nạn khi đua ngựa, trận giao tranh Borodino); sự tinh tế mà Turgenev dùng để miêu tả thiên nhiên và những nhân vật kỳ bí được ông cẩn thận diễn tả. Tôi cũng có thể đề nghị rằng bất cứ ai muốn tìm một câu trả lời hoàn hảo hơn cho cái câu hỏi (đặt ra ở đầu bài) có thể tìm đọc “Những bài diễn thuyết về Văn Chương Nga” của Nabokov. Một vài khía cạnh của quyển sách này có thể làm độc giả khó chịu: Thành kiến kiểu quí tộc của Nabokov, sự khinh bỉ về cái “loạn trí và điên khùng” của Dostoevsky, sự rẻ rúng ông dành cho hầu hết mọi tác phẩm văn học trong thời kỳ Sô Viết. (Còn Akhmatova, Platonov và Babel thì thế nào?) Mặt khác, không ai nhận xét sâu sắc bằng Nabokov về hai truyện ngắn có ảnh hưởng lớn nhất trong các truyện ngắn của Chekov, “Người Đàn Bà và Con chó Nhỏ” và “Trong Đường Rãnh,” cũng không ai có thể đưa ra một bài tranh luận đầy thuyết phục cho sự rực rỡ của “Anna Karenina.” Và dù vậy chúng ta vẫn có thể cáu kỉnh bởi ông cho rằng nếu chúng ta không thể đọc Gogol bằng tiếng Nga thì đừng nên đọc, sự ngưỡng mộ chúng ta dành cho Gogol càng tăng lên bởi lời giải thích của Nabokov về cách Gogol đã thay thế những nguyên tắc “thừa kế từ những người cổ xưa. Trời thì xanh lơ, hừng đông màu đỏ, và lá cây thì màu lục_ – bằng một thứ ngôn ngữ mới mẻ và miêu tả thật chính xác. “Đó là Gogol… người đầu tiên nhìn thấy màu vàng và màu tím trước nhất.”

Hơn cả việc đọc Nabokov bằng tiếng Nga là đọc các nhà văn Nga. Hay đã đọc rồi giờ nên đọc lại, bởi vì sách của họ thường xuyên khiến ta nhận ra là chúng tốt đẹp hơn, nhiều ý nghĩa hơn mỗi khi ta đọc lại; những quyển sách này dường như trưởng thành và thay đổi cùng với chúng ta, làm cho chúng ta ngạc nhiên, như khi gặp lại một người bạn thân, giờ đã trở nên già dặn hơn. Nếu tôi có thể bảo độc giả bắt đầu từ đâu, tôi sẽ khuyên hãy bắt đầu với quyển “Cái Áo Khoác” của Gogol, hay “Tình Đầu” của Turgenev; hay “Tu Sĩ Da Đen” và “Trại số 6” của Chekhov; “Giám Mục” hay “Đấu Tay Đôi”; hoặc quyển sách nổi tiếng và hấp dẫn nhất “Anh Em Nhà Karamazov” của Dostoevsky. Tôi sẽ khuyên nên đọc “Anna Karenina” của Tolstoy có lẽ đây là quyển tôi thích nhất, hoặc là “Ba Nhà Ẩn Dật” theo tôi đây là quyển truyện hay nhất viết về sự hạn hẹp của giáo dục. Tôi sẽ nói nên đọc tất cả, rồi khám phá ra quyển sách hay nhất của bạn, và khi bạn đọc đến câu cuối cùng của quyển sách cuối cùng trên kệ sách của bạn, bạn hãy bắt đầu lại từ đầu và đọc chúng thêm một lần nữa.

Francine Prose là tác giả của 20 quyển tiểu thuyết, biên khảo, và nghị luận. Bà có quyển “Blue Angel” được đề cử cho giải National Book Award (giải thưởng sách hay nhất trong toàn quốc), và quyển hướng dẫn “Đọc Theo Cách Đọc của Nhà Văn,” sách bán chạy nhất của báo New York Times. Quyển truyện mới ra của bà là “Lovers at the Chameleon Club, Paris 1932.” Hiện nay bà đang là nhà văn thỉnh giảng ở Đại học Bard, bà là người được trao tặng nhiều học bổng và giải thưởng; ở trong ban biên tập của Harper, Saveur và Bomb; cựu chủ tịch Trung Tâm Văn Bút PEN Hoa Kỳ và là thành viên của American Academy of Arts and Letters and the American Academy of Arts and Sciences.

Nguồn: Báo The New York Times